Làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vừa chính thức được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Bộ VH-TT-DL vừa chính thức công nhận làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thông tin này được ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho biết tại cuộc tọa đàm về nghệ thuật tuồng QN-ĐN (tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23/8) nhằm tiến tới lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận nghệ thuật tuồng QN-ĐN là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo đó, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã hội đủ 4 tiêu chí theo quy định của Luật Di sản Văn hóa: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hình thành từ giữa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII. Hiện làng nghề này có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tập trung xung quanh khu vực dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn với gần 4.000 lao động, chiếm gần 80% hộ dân cư trên các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa (khu vực Đông Hải, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).
Làng nghề hiện sản xuất các sản phẩm đa dạng, đủ kích cỡ tuỳ theo yêu cầu của khách hàng. Trong đó các sản phẩm được mang nhãn hiệu chứng nhận “Đá Non Nước” bao gồm tượng tôn giáo, tín ngưỡng, tượng danh nhân, tượng người, tượng cách điệu, bàn ghế, bồn tắm, tượng thú, đèn vườn, bình hoa và bia mộ. Doanh thu của làng nghề năm 2012 đạt hơn 312,7 tỉ đồng; năm 2013 tăng lên 406,5 tỉ đồng.
Trước đây, làng nghề khai thác nguyên liệu ngay tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Từ sau năm 1980, nguyên liệu chủ yếu mua từ các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Thanh Hoá, Quảng Ninh và Bắc Cạn. Bình quân mỗi cơ sở tiêu thụ 7 -12 tấn nguyên liệu/tháng. Sản phẩm của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước được đánh giá tinh xảo, đa dạng, phong phú về mọi mặt.
Để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, trong thời gian tới, các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ sẽ được quy hoạch vào Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tại tổ 52 và 53 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), cách nơi cũ khoảng 2km. Làng mới được xây dựng trên diện tích 35ha với kinh phí đầu tư khoảng 154 tỉ đồng. Được biết, hiện cả nước có khoảng 48 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với ý kiến cho rằng làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện là làng chế tác linh vật ngoại lai như sư tử đá, kỳ hưu... kiểu Trung Quốc, châu Âu lớn nhất nước, ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho biết, chính quyền địa phương luôn định hướng xây dựng và phát triển làng nghề này theo hướng bảo tồn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất kinh doanh thì làng nghề cũng phải vận hành theo quy luật cung cầu của thị trường.
Người tiêu dùng có nhu cầu và đặt hàng thì làng nghề vẫn sản xuất. Song các linh vật ngoại lai chỉ là một phần nhỏ trong các sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước. Các nghệ nhân điêu khắc đá ở đây sản xuất tất cả các sản phẩm gia dụng bằng đá đến các tác phẩm nghệ thuật, tượng đá trang trí, linh vật phong thủy… không chỉ được nhiều người dân trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Úc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Nga, châu Âu…
Đăng nhận xét